minh tran minh tran

5 THỨ "XẢY RA" KHI THƯƠNG HIỆU CÓ MASCOT

Bạn có nhớ một chú sư tử bán kem?
Cầm viên sô cô la M&M trên tay, bạn có hình dung được những chiếc mặt đầy cảm xúc của những cô cậu sô cô la?
Hoặc khi mình tả một nhân vật màu trắng, cơ thể là những hình tròn xếp chồng lên nhau, bạn có thấy quen quen? Nếu có, thử tìm từ khóa Michelin Man.

Không tự nhiên mà các thương hiệu lớn lại chọn cho mình một linh vật thương hiệu dù về mặt nhận diện, họ đã có logo. Bằng một cách nào đó, các nhân vật/linh vật này đã chiếm một chỗ trong thư viện hình ảnh của chúng ta.


Dưới góc nhìn cá nhân, mình sẽ đưa ra 5 thứ mà MASCOT có thể hỗ trợ cho thương hiệu.

  1. Đại diện phát ngôn độc quyền

    Chắc bạn đã từng nghe cụm từ ‘brand voice’ - tiếng nói thương hiệu. Mỗi nhãn hàng sẽ có một “giọng điệu” (tone&mood) riêng. Vậy ai sẽ là người phát ra tiếng nói đó. CEO? Brand Manager? Họ là người duyệt nội dung, đúng. Nhưng họ không thể đại diện để nói cho thương hiệu được.
    Mascot sẽ giúp làm chuyện đó. Một mascot được thiết kế riêng cho thương hiệu A sẽ không thể phát ngôn giùm thương hiệu B cũng sẽ không dính líu gì tới hình ảnh thương hiệu C. Linh vật này ra đời chỉ để NÓI về thương hiệu A.

  2. Ấn tượng dài sâu

    Có một bài học trong lớp mỹ thuật mình nhớ mãi. Thầy hỏi: “Các em có biết tại sao nhiều game trên điện thoại lại có icon là một cái mặt không?” Câu trả lời là vì nó thu hút người dùng. Vì là người, ta có xu hướng nhìn những gì gần với mình hơn là một cái biểu tượng đơn thuần. Thế nên khi một thương hiệu có mascot, người dùng sẽ có một hình ảnh dễ neo trong đầu hơn.

  3. Sinh động hóa

    Vì đã là một nhân vật, mascot sẽ sở hữu một cá tính rõ ràng. Khách hàng qua đó cũng sẽ cảm thấy mình đang giao tiếp với một thực thể sinh động hơn là một cái tên thương hiệu. Bạn có nhớ hồi lâu lúc ta xài Window, có một mascot trợ lý hình cái kẹp ghim có hai con mắt? Cái con mà hay bị chúng ta nghịch thử nhấp lung tung để nó biến đủ hình dạng. Lúc mình phát hiện ra con đó, tự dưng thấy cái máy tính mình sinh động hẳn.

  4. Kết nối với khách hàng

    Với các nền tảng online, mascot sẽ là người nói giúp những điều nhãn hàng muốn nói.
    Với offline, mascot có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như standee, activation, mô hình khổng lồ hoặc một bộ cosplay do người mặc. Đặc biệt nếu là nhãn hàng có tệp khách hàng là trẻ em, mascot là một điểm cộng để thu hút các bé. Lúc nhỏ, mình luôn nhớ mỗi khi kem Wall’s về trưởng tiẻu học làm chương trình, mình đã được chú sư tử Paddle Pop phát kem cho. Ở tuổi đó, mình còn không biết đó là một linh vật thương hiệu. Mình chỉ biết chỉ cần thấy bóng dáng chú sư tử, mình có kem ăn.

  5. An toàn

    Là một mascot thì câu chuyện hoàn toàn do thương hiệu xây nên. Mascot nói gì cũng là do brand manager duyệt. Mascot đi đâu là do team marketing quyết. Mascot không có đời tư cá nhân nên một cách tuyệt đối, không ai phốt được mascot.

Nói tới cũng phải nói tới nữa, mình không nghĩ vì 5 điều trên mà thương hiệu nào cũng cần mascot. Còn tùy vào ngành hàng, chiến lược marketing mà sẽ có nhiều giải pháp truyền thông khác nhau. Đây chỉ là những lợi ích mình thấy được khi những thương hiệu Monstio từng làm việc bắt đầu có mascot, viết thành một bài chia sẻ ngắn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây.

Read More